xem chi tiết - UBND huyện Phụng Hiệp

 

Đào Tạo nghề tạo động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo

Ngày 29-08-2023

Huyện Phụng Hiệp luôn chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương.

 

Trước đây, gia đình chị Phạm Thị Ngân, ở Mỹ Hưng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp rất khó khăn, do hàng ngày chị chỉ ở nhà trông con, lo việc nội trợ, không có bất cứ khoản thu nhập nào, còn chồng chị đi làm phụ hồ. Khi địa phương thông báo có lớp học nghề may công nghiệp, chị đã đăng ký học, hy vọng tìm được việc làm, cải thiện kinh tế gia đình. Sau khi hoàn thành khóa học, chị đã xi vào làm Công ty may trên địa bàn xã. Từ đó, chị có thu nhập ổn định, cuộc sống bớt phần khó khăn. Ban đầu tay nghề chưa cao, nhưng dần dần chị đã áp dụng thành thạo hơn những kiến thức được đào tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng tháng làm việc chăm chỉ, thu nhập mỗi tháng của chị từ 3-4 triệu đồng, giờ đến ngày tựu trường chị có thêm thu nhập để lo 02 đứa con vào năm học mới, chị rất mừng vì cuộc sống gia đình đã ổn định, chị Ngân cho biết:

"Từ khi có việc làm ổn định, có thêm thu nhập tôi thấy vui lắm, tiền mình làm ra có thể phụ giúp chồng để lo cho con ăn học, trước giờ chỉ có mình ảnh thu nhập nên cũng thiếu thốn đủ điều, giờ có tiền cũng mua được mắm, muối trong nhà, sắm sửa quần áo mới cho con đi học, cuộc sống cũng đỡ vất vã hơn"

Có việc làm, thu nhập ổn định từ học nghề cũng là câu chuyện của nhiều lao động trên địa bàn huyện, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Như gia đình bà Trần Thị Nhị, ấp Phương Quới B, xã Phương Bình. Là hộ nghèo, năm nay vợ chồng bà đều trên 50 tuổi, không thể đi làm thuê, làm mướn như trước, nên ông bà học nghề đan lục bình, rồi nhận nguyên liệu về đan gia công. Bình quân mỗi ngày ông bà cũng đan được 2-3 bộ sản phẩm, trừ chi phí nguyên liệu cũng kiếm được khoảng 50.000 đồng/sản phẩm. Theo bà Nhị từ lúc học nghề đan lục bình, gia đình có đồng ra đồng vào. Thuận tiện là nguyên liệu được cơ sở đem đến tận nhà rồi cũng đến thu mua thành phẩm, nên cũng thuận tiện cho những người lớn tuổi như bà. Mặc dù nghề này thu nhập không nhiều nhưng công việc có thường xuyên, nhờ đó cuộc sống đỡ vất vả hơn, bà Nhị cho biết thêm:

"Lớn tuổi, cũng nay ốm mai đau không là gì được, nhờ có cơ sở gần nhà họ giao tới chổ, công việc thì làm trong nhà mát mẻ, thuận tiện nên vợ chồng tôi cũng mừng lắm, khi nào khỏe thì làm nhiều, mệt thì nghĩ, tiền thì không dư nhưng cũng có đủ để sống hàng ngày, vậy thì tôi vui rồi"

Theo phòng Lao động - TBXH huyện Phụng Hiệp, hàng năm phòng chủ động phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương rà soát số lượng lao động đã và chưa qua đào tạo, tìm hiểu về nhu cầu học nghề của người lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp. Tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu của xã hội và tư vấn giới thiệu việc làm trong và ngoài địa bàn. Từ đầu năm đến nay, huyện phối hợp mở 17/19 lớp đào tạo nghề, người học chủ yếu là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và lao động nông thôn khác. Phòng xác định đào tạo nghề là một trong những giải pháp giảm nghèo hiệu quả, bởi khi người dân có nghề sẽ tạo được việc làm, nâng cao thu nhập gia đình, hướng đến thoát nghèo bền vững, ông Nguyễn Văn Tính, Phó Trưởng phòng LĐ-TBXH huyện Phụng Hiệp cho biết:

"Phòng sẽ tiếp tục tăng cường công tác rà soát nhu cầu học nghề của lao động, để kịp thời đề xuất về trên tổ chức đào tạo, đặc biệt là phòng chú trọng đối lượng nhàn rỗi, hộ nghèo, cận nghèo tạo điều kiện để họ có cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định. Ngoài ra, phòng liên kết chặt chẽ với các cơ sở, công ty, doanh nghiệp, để khi hoàn thành khóa đào tạo, lao động có được việc làm sau đào tạo, giúp họ nâng cao thu nhập kinh tế cho gia đình"

Bà Nhị, chị Ngân là 2 trong số hàng nghìn lao động được học nghề, có việc làm ổn định. Xác định nguyên nhân gốc rễ của nghèo khó là do thu nhập của người dân còn thấp, các cấp, các ngành và địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề. Bởi khi tham gia các lớp học nghề sẽ giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có được việc làm, tạo sinh kế bền vững, từ đó tiếp cận các dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hồng Yến


Tin cùng chuyên mục



Đang online: 4
Hôm nay: 2239
Đã truy cập: 693303
You do not have the roles required to access this portlet.