Hiệu quả mô hình sản xuất đa canh
Những năm gần đây huyện Phụng Hiệp phát động mạnh mẽ phong trào chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Hưởng ứng phong trào này nhiều nông hộ ở các địa phương trong huyện đã áp dụng phương thức sản xuất đa canh nhiều loại cây trồng trên cùng một diện tích canh tác để lấy ngắn nuôi dài góp phần nâng cao thu nhập kinh tế.
Với 3,5ha đất mía sản xuất không hiệu quả do liên tục gặp cảnh trúng mùa rớt giá. Cách đây 7 năm ông Nguyễn Văn Công ở xã Hiệp Hưng huyện Phụng Hiệp đã mạnh dạng chuyển 3ha mía sang trồng canh sành. Hiện nay dù nhà vườn cam sành bị thất thu do bệnh vàng lá gân xanh tấn công, nhưng với bí quyết canh tác của riêng mình, vườn cam của gia đình ông Công hàng năm vẫn cho thu nhập hơn 100 tấn trái, giúp ông thu về lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng. Ông Công cho biết: “Trồng cây khác rất khó lấy tiền một lần, trong khi cây cam thì làm được chuyện đó. Tuy giá bán khá rẻ, chỉ khoảng 10 ngàn/kg nhưng nếu bán với sản lượng thì nhiều thì mình vẫn có thể thu được số tiền lớn. Như vừa rồi, gia đình bán được 50 tấn với giá 10 ngày đã thu về 500 triệu đồng, còn đợt cam tết nửa thì công lại năm nay thu nhập sẽ trên 1 tỷ đồng.”
Để có chi phí đầu tư cho vườn cam, hơn 1,5ha đất sản xuất còn lại được ông Công chuyển đổi sang trồng sầu riêng xen với chanh bông tím và đu đủ. Không những thế, tận dụng diện tích đất trống xung quanh nhà ông Công xây dựng 12 bể nuôi lươn, mỗi bể nuôi 1000 con lươn theo hình thức xoay vòng nên mỗi tháng đều có lươn xuất bán. Với cách làm này, mỗi tháng thu nhập thêm từ việc bán lươn, tranh bông tím và đu đủ hơn 30 triệu đồng, vừa có chi phí để chi tiêu trong gia đình vừa đầu tư phân thuốc cho vườn cam và sầu riêng. Nhờ vậy, đến khi thu hoạch cam gia đình ông Công thu chọn phần lợi nhuận. Ông Công cho biết thêm: “Chanh thì trồng 6 tháng là đã có thu hoạch, đu đủ thì 8 tháng, lươn thì nuôi xoay vòng nên tháng nào cũng xuất một bể. Nhờ đó mà ngoài việc có chi phí chi tiêu hàng tháng gia đình còn có chi phí đầu tư cho vườn cam. Đến khi cam thu hoạch thì tất cả nguồn thu đó là lợi nhuận.”
Anh Nguyễn Thanh Nhiều, chủ tịch Hội Nông Dân xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp cho biết: “Ngoài việc phát triển kinh tế cho gia đình thì chú Công còn hỗ trợ kỷ thuật canh tác cam cho bà con trong xóm hay bán lươn giống theo hình thức trả chậm cho những hộ nuôi trong xã. Nhờ đó mà hiện nay xã cũng nhân rộng được hơn 10 hộ nuôi lươn trên địa bàn.”
Còn ông Nguyễn Văn Hậu ở xã Hòa Mỹ huyện Phụng Hiệp chọn cây rau má để trồng xen trong vườn mít thái. Do cây rau má dễ trồng, nhẹ chăm sóc, trồng một lần chăm sóc tốt có thể thu hoạch kéo cả năm. Với diện tích 3.000m2 trồng rau má xen với mít, trung bình 20 ngày ông Hậu thu hoạch một lần từ 250kg-300kg rau má, được thương lái thu mua ở mức 10-13 ngàn đồng/kg (tùy thời điểm), mỗi đợt ông thu nhập hơn 2 triệu đồng, tương đương gần 30 triệu một năm. Ông Hậu cho biết:“ Rau má trồng không cần chăm sóc, sau mỗi đợt thu hoạch chỉ cần tưới phân là tiếp tục thu hoạch cho lần kế tiếp. Thu nhập từ cây rau má mang lại vừa giúp cho gia đình có nguồn thu nhập hàng tháng, vừa tạo điều kiện mua thêm phân bón, thuốc BVTV để đầu tư cho vườn mít. Nên dù mít rớt giá cũng không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế của gia đình.”
Ông Trần Văn Tuấn, trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết thêm: “Sản xuất nông nghiệp theo hướng đa canh đang là mô hình được nông dân trong huyện áp dụng và nhân rộng. Trong 1026 mô hình sản xuất hiệu quả của huyện hiện nay có hơn 40% mô hình nông dân áp dụng phương thức sản xuất đa canh hay lấy ngắn nuôi dài. Vì ngoài việc giúp gia tăng năng suất, hiệu quả mà còn tận dụng tối đa diện tích canh tác, kết hợp nhiều cây trồng, vật nuôi để có giá trị kinh tế cao hơn. Chưa kể việc sản xuất đa canh còn hạn chế tình trạng mất trắng khi một trong các loại nông sản mất mùa hay rớt giá như thời gian qua.
Bài, ảnh: Duy Khánh